Dịp nghỉ lễ dài, đi lại thế nào cho bớt tắc?
Chỉ còn 1 tuần lễ nữa, người lao động cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đây là thời điểm được đánh giá nhu cầu đi lại sẽ tăng đột biến ở hầu hết các loại hình vận tải, đường hàng không, đường sắt, đặc biệt là đường bộ.
Vậy các đơn vị, doanh nghiệp đã chuẩn bị cho việc phục vụ cao điểm nghỉ lễ ra sao? Rút kinh nghiệm từ các năm trước thế nào để việc đi lại bớt ùn tắc?
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhu cầu đi lại sẽ tăng đột biến ở hầu hết các loại hình vận tải, đường hàng không, đường sắt, đặc biệt là đường bộ (Ảnh minh họa)
Nhiều năm liền chứng kiến cảnh đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 bị ùn tắc tại các khu vực cửa ngõ ra vào Thành phố, chị Nguyễn Trang Anh (ở Thái Thụy, Thái Bình) xác định, kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ tìm cách về sớm để tránh ùn tắc: "Mọi năm người ta đi đông quá, xe cũng chật, nên có lần em phải xuống xe giữa chừng. Năm nay, có khi em phải tìm thời gian đi khác người một tí mới đi được".
Một số người tham gia giao thông cũng bày tỏ, họ sẽ chủ động nắm bắt thông tin tình hình giao thông để chủ động việc đi lại:
"Vào những ngày lễ tết, phương tiện đi lại đông thì em sẽ đi sớm hơn. Thường thường là 7h00 hoặc 6h30 là tầm đấy xe chưa đông nên là còn sớm, người dân đi sẽ ít".
"Em cứ tầm 7h30 ra bắt xe. Nhưng đi từ đoạn Cầu Diễn đi ra tắc đường lắm. Năm nay chắc phải gần sáng ra bắt xe thì chắc đỡ tắc hơn".
"Dịp lễ thì việc bắt xe hay đặt xe sẽ khó hơn nên những dịp lễ mình sẽ tính toán trước lịch công tác của mình để đặt xe trước. Đông cũng phải chấp nhận thôi".
Về phía các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định cũng đều có phương án giải tỏa hành khách trong những ngày cao điểm.
Ông Chu Ngọc Long, Công ty Cổ phần 27/7 Đống Đa, chạy tuyến Hà Nội - Ninh Bình cho hay: "Bắt đầu vào dịp lễ này, chúng tôi đã chuẩn bị phương án, nếu đột biến, khách đông thì sẽ có xe để tăng số chuyến, số lốt để phục vụ hành khách kịp thời. Chúng tôi cũng mong muốn khách vào bến mua vé để lên xe cho an toàn, thuận tiện".
Ông Vương Duy Dũng, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, trong những ngày cao điểm đầu nghỉ lễ, dự kiến mỗi ngày có khoảng 22.000 lượt khách, tăng 350%. Bến xe dự kiến bố trí khoảng 600 lượt xe tăng cường trong toàn bộ kỳ nghỉ lễ:
"Chúng tôi đã họp quán triệt với tất cả cán bộ, nhân viên nâng cao tinh thần phục vụ. Đồng thời bến cũng đã họp với các lực lượng chức năng họp với Công an phường Mỹ Đình 2, Đội CSGT số 6, các Đội Thanh tra giao thông để đảm bảo tốt nhất an ninh trật tự trong và ngoài bến trong đợt phục vụ lễ tết này".
Ông Trần Mạnh Hà, Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát chia sẻ, trong dịp nghỉ lễ sắp tới, đơn vị sẽ bố trí đủ 100% quân số để đảm bảo công tác điều hành, và xe trong những ngày cao điểm:
"Đối với các đơn vị vận tải, các nhà xe, chúng tôi đã yêu cầu tuyệt đối không được đón khách dọc đường, gây ùn tắc giao thông. Bến xe chúng tôi cũng đã họp với các lực lượng chức năng như Công an phường Giáp Bát, Đội CSGT 14 để phân luồng, giải tỏa số lượng xe đi lại trong dịp 30/4, 1/5 một cách nhanh nhất".
Về phía ngành đường sắt, thông tin từ Công ty Cổ phần vận tải đường sắt cho hay, ngoài 5 đôi tàu chạy hàng ngày, đơn vị đã tăng cường thêm 2 đôi tàu chạy hành trình Hà Nội- TP. HCM. Ngoài ra, các tuyến từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… cũng được tăng cường thêm tàu. Đến thời điểm này, hơn 93 nghìn vé tàu đã được bán, chiếm khoảng 63,5% số lượng vé cung ứng đợt nghỉ lễ này.
Về phía ngành hàng không, ông Bùi Minh Đăng, Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong đợt nghỉ lễ 30/4, các hãng hàng không dự kiến phục vụ khoảng 700 chuyến bay, trung bình khoảng 685 chuyến bay nội địa/ngày, tăng 21%, cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế so với lịch bay bình thường.
Chiếm tỷ trọng lớn là chuyến bay đến TP.HCM với hơn 5.000 chuyến. Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với các hãng bay tăng slot đến Tân Sơn Nhất, từ 42 lên 46 chuyến/giờ. Theo ông Đăng, việc đưa nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ùn ứ khách tại cảng hàng không này:
"Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thực hiện các công tác liên quan đến việc đưa nhà ga hành khách nội địa T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào hoạt động và cũng đã chỉ đạo, phối hợp với các hãng hàng không xây dựng, bố trí kế hoạch chuyển giao, khai thác từ nhà ga T1 sang nhà ga T3 cũng như rà soát tất cả quy trình vận hành để đảm bảo tốt nhất cho hoạt động bay diễn ra an toàn, liên tục, thông suốt".
Trong đợt nghỉ lễ 30/4, các hãng hàng không dự kiến phục vụ khoảng 700 chuyến bay, trung bình khoảng 685 chuyến bay nội địa/ngày, tăng 21%, cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế so với lịch bay bình thường.
Về phía lực lượng chức năng, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cho hay, đơn vị đã có kế hoạch cao điểm đảm bảo TTATGT dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trong đó CSGT sẽ tập trung lực lượng đảm bảo TTATGT toàn diện trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy… Trong đó, lĩnh vực đường bộ sẽ tập trung vào 6 chuyên đề, như: vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định…
"Năm nay chúng tôi huy động tối đa, phát huy sức mạnh của các trung tâm chỉ huy giao thông tại các đơn vị có lắp đặt hệ thống giám sát cũng như tại Cục CSGT để điều tiết, bố trí lực lượng kịp thời. Ngoài ra, năm nay lực lượng CSGT cũng sử dụng flycam để nắm bắt tình hình, đảm bảo lực lượng, phương tiện phân luồng, giải quyết ùn tắc từ sớm, từ xa, không để ùn tắc kéo dài".
Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 hoặc các kỳ nghỉ dài trong năm, tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ ra vào thành phố, các trục hướng tâm thường xuyên xảy ra. Tuy vậy, người tham gia giao thông hoàn toàn có thể phòng tránh, hạn chế ùn tắc bằng việc chủ động nắm bắt tình hình giao thông để sắp xếp chuyến đi hợp lý.
Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: "Chủ động kế hoạch đi lại để phòng tránh ùn tắc".
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm là thời điểm người lao động cả nước được nghỉ ngơi dài ngày sau những tháng ngày làm việc và học tập căng thẳng. Tuy nhiên, cùng với niềm vui ấy, vấn đề ùn tắc giao thông lại trở thành nỗi lo thường trực tại các đô thị lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các điểm có khu vui chơi, giải trí, tham quan, du lịch.
Thực tế cho thấy, những ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ thường xảy ra tình trạng quá tải tại các bến xe, nhà ga, sân bay và các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố. Lượng người và phương tiện tăng đột biến là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thêm vào đó, thói quen di chuyển cùng thời điểm, thiếu thông tin về lộ trình cũng góp phần khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp hơn.
Trước tình trạng này, việc tổ chức giao thông một cách chủ động và đồng bộ là điều vô cùng cần thiết. Trước tiên, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch phân luồng giao thông hợp lý, đặc biệt tại những khu vực thường xuyên ùn tắc. Việc tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết tại các điểm nóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực cho người dân thông qua các ứng dụng di động, qua VOVGiao thông và các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ giúp người dân có lựa chọn lộ trình phù hợp, tránh các tuyến đường đông đúc.
Lâu nay, lực lượng chức năng đã kịp thời khuyến cáo người dân về các khung giờ, địa điểm ùn ứ hoặc có nguy cơ ùn ứ, nhất là các khung giờ cao điểm. Tuy vậy, ngoài giờ cao điểm cũng có nguy cơ xảy ra ùn tắc. Vì vậy, sự phối hợp của các lực lượng chức năng, các trung tâm điều hành cao tốc, các địa phương trong việc cập nhật thông tin theo thời gian thực sẽ tạo điều kiện để người dân chủ động hơn trong việc di chuyển.
Bên cạnh đó, các địa phương có địa điểm du lịch cũng cần phối hợp với các lực lượng chức năng để đưa ra dự báo về nhu cầu giao thông trên cơ sở nhu cầu khách đặt phòng. Thậm chí, có thể khuyến cáo người dân cung cấp thêm thông tin về địa điểm di chuyển để nắm sát hơn nhu cầu tham gia giao thông của họ. Khi nhu cầu được nắm bắt chính xác, việc tổ chức giao thông và khuyến cáo càng dễ dàng.
Một giải pháp nữa là khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện hoặc dịch vụ xe chung. Việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân trong những ngày cao điểm không chỉ giúp giảm mật độ lưu thông mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí. Chính quyền các địa phương có thể hỗ trợ bằng cách tăng cường chuyến xe, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn và vệ sinh trên các phương tiện công cộng.
Về phía người dân, việc chủ động lập kế hoạch cho các chuyến đi, nắm bắt tình hình giao thông sẽ góp phần đáng kể trong việc “né” các khung giờ, các địa điểm có nguy cơ ùn tắc. Trong dịp lễ, việc đi lại là cần thiết nhưng không nhất thiết phải tập trung vào một thời điểm. Nếu mỗi người chủ động sắp xếp thời gian đi lại linh hoạt hơn, thì áp lực lên hạ tầng giao thông sẽ giảm đi đáng kể.
Đặc biệt, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc tham gia giao thông, như không chen lấn, vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, làn đường. Khi người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật TTATGT, thì dù có ùn ứ, nhưng sẽ sớm được giải tỏa một cách trật tự.
Việc hạn chế ùn tắc giao thông trong dịp lễ 30/4 và 1/5 không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cần sự tham gia tích cực từ người dân và các doanh nghiệp vận tải. Mỗi hành động nhỏ như chọn khung giờ di chuyển ít đông, đi xe buýt thay vì xe máy, ô tô cá nhân, hay đơn giản là tuân thủ luật giao thông đều có thể góp phần làm nên sự khác biệt lớn.
Trong bối cảnh đô nhu cầu di chuyển tăng cao vào các dịp lễ, thì việc tổ chức giao thông một cách chủ động, khoa học và hiệu quả là điều kiện tiên quyết để đảm bảo một kỳ nghỉ lễ an toàn, trọn vẹn và văn minh. Đây không chỉ là vấn đề về kỹ thuật hay hạ tầng, mà còn là thước đo của ý thức cộng đồng và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lự lượng chức năng trong xã hội.
Nguồn: vov giao thông
XeXe
Nội dung